Nếu Luật viết rõ làn trái chỉ dùng để vượt thay vì nói “đi chậm hơn đi về bên phải” thì đã không có những tài xế cố chấp.
Việc nhường đường nhẽ ra là chuyện phải trở thành phản xạ của tài xế như ở khắp nơi trên thế giới, thì tại Việt Nam, nó lại là chủ đề để tranh cãi. Sẽ không có chuyện nói tôi đang đi tốc độ tối đa thì nhường đường kiểu gì, hay nhường đường là tiếp tay cho người khác vi phạm pháp luật. Vậy vấn đề ở đây là gì?
Vấn đề là luật của chúng ta chưa theo kịp tốc độ phát triển của hạ tầng. Luật Giao thông đường bộ đã được viết từ 2008, khi mà cả Việt Nam mới chỉ có vài con đường cao tốc. Lúc ý, tài xế chạy vào đường cao tốc cũng vẫn ngây ngô như trên quốc lộ, chẳng qua con đường này “cấm xe máy”. Nhưng giờ đây, lượng phương tiện tăng nhanh, đường cao tốc nhiều hơn, và xe cũng tốt hơn rất nhiều, trình độ lái xe dần tăng, tuổi lái xe trẻ hóa… Tất cả những yếu tố đó khiến việc lái xe trên cao tốc phức tạp hơn, và cần được luật hóa rõ ràng hơn.
Những người đã lái xe lâu năm thường rất khó để thay đổi, vì họ cho rằng kinh nghiệm là đúng. Kinh nghiệm đó chỉ đúng ở thời hạ tầng chưa phát triển, còn bây giờ không đúng nữa. Còn những tài xế mới, những người trẻ, và thế hệ con cháu chúng ta sau này, họ cần được đặt nền móng bằng những luật lệ chặt chẽ và rõ ràng, thì mới mong văn hóa lái xe thay đổi.
Với vấn đề bám làn trái, không chịu nhường đường, rất đơn giản, luật chỉ cần thêm một câu “với những đường cao tốc có từ 2 làn xe chạy trở lên mỗi chiều, làn trái chỉ để vượt, xe vượt xong cần quay về làn phải, không cản trở xe khác dù đang chạy ở tốc độ nào”.
Châu Âu, Á, Mỹ gì thì họ cũng áp dụng quy tắc này, và thỉnh thoảng còn có cảnh sát đi tuần, xe nào không nhường đường là có thể bị yêu cầu tạt vào để nhận vé phạt. Đơn giản như thế, thì sẽ không có ai dám bám làn trái nữa.
Một số độc giả nói tôi chạy tối đa làn trái, đường nhiều làn, anh muốn chạy nhanh hơn thì sang bên phải mà chạy, tại sao tôi có nghĩa vụ phải chuyển sang phải để anh dùng làn trái. Về vấn đề này chắc là vì các bạn chỉ biết nghĩ đến mình, mà không đứng ở góc độ nhìn tổng thể cả con đường. Khi ai cũng “xào chẻ” như vậy, thì tỷ lệ rủi ro tai nạn tăng lên rất lớn. Đó là lý do người đi nhanh sẽ cứ cắm đầu làn trái mà chạy, không vượt nữa thì ghé làn phải, muốn vượt lại chuyển sang trái. Quá đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng.
Chúc các bạn lái xe an toàn.
Nguồn: https://vnexpress.net/luat-giao-thong-viet-nam-lac-hau-khien-tai-xe-tranh-cai-4717015.html