Ít kinh nghiệm lái gặp 5 tình huống off-road này dễ bỏ xe ở lại, lời khuyên dưới đây của tay đua Việt sẽ giúp vượt qua an toàn

Lái xe qua đường bùn lầy trơn trượt, lội nước, đi trên nền sỏi đá lớn nếu ít kinh nghiệm sẽ khó có thể vượt qua được dễ dàng, ngay cả với những chiếc xe có hệ dẫn động tốt.


Trong khuôn khổ sự kiện trải nghiệm off-road với xe Subaru Forester trong 2 ngày cuối tuần vừa qua tại Hà Nội, hãng xe Nhật đã thiết kế một khu vực đường đất đá với những tình huống mô phỏng như ở ngoài đời thực. Anh Trần Quang Tiến, tay đua của đội AKA Racing đồng thời cũng là chuyên gia hướng dẫn lái xe tại sự kiện của Subaru, đã có những chia sẻ về kinh nghiệm cũng như hướng dẫn xử lý tay lái để vượt qua những tình huống đó một cách an toàn nhất. Dưới đây là hướng dẫn của anh Tiến trong từng tình huống cụ thể.

Hố sâu bùn lầy trơn trượt là loại địa hình có thể khiến bạn khó kiểm soát tay lái hoặc đen đủi hơn là mắc kẹt cả xe lại. Nếu xe kẹt lại ở một nơi xa hoặc vắng vẻ, việc gọi cứu hộ là rất vất vả. Ngâm xe dưới nước và bùn lâu cũng gây thiệt hại về gầm. Việc đầu tiên khi gặp loại địa hình này là xuống xe, dùng que kiểm tra độ sâu mực nước và phải chắc chắn được là khả năng lội nước của xe đáp ứng được độ sâu đó. Nếu không thể đo được độ sâu, hãy chọn đường đi khác. Nếu khoảng sáng gầm xe phù hợp, với một chiếc xe 2 cầu hoặc dẫn động 4 bánh toàn thời gian như Forester, bạn hãy sử dụng 2 cầu. Ở Forester có X-Mode, xoay sang chế độ đường bùn, xe sẽ tự phân bổ lực kéo giữa các bánh một cách phù hợp để tránh hiện tượng trượt ở đường bùn thế này. Hãy di chuyển đều với tốc độ chậm.

Loại tình huống phức tạp tiếp theo là ổ voi so le. Ở tình huống này, Subaru bố trí các ổ voi (hố sâu) đặt so le nhau. Khi xe đi vào địa hình này có thể xảy ra trường hợp bánh bị bênh lên và mất độ bám. Với xe 2 cầu có thể sử dụng khoá vi sai. Còn với xe dẫn động 4 bánh toàn thời gian như Forester chỉ cần bật X-Mode là xe có thể vượt qua dễ dàng. Ngoài ra, người lái cũng cần nắm được khoảng sáng gầm, góc tới, góc thoát của xe để chắc chắn là xe vượt qua được ổ voi đó.

Vách nghiêng đôi mô phỏng địa hình tương tự như ở những lòng sông, lòng suối cạn với những chướng ngại vật, người lái phải đánh sang các bên để tránh. Đây cũng là loại địa hình đòi hỏi đến khoá vi sai với xe dẫn động 2 cầu. Còn với Forester và hệ dẫn động 4 bánh đối xứng thì chỉ cần cài X-Mode. Loại địa hình này là bình thường với xe khung gầm rời (body-on-frame), nhưng với nhiều xe khung gầm liền (unibody), việc chạy qua địa hình này có thể khiến thân xe bị vặn xoắn, cửa khó mở hoặc không mở được. Chiếc Forester với khung unibody vẫn mở cửa bình thường.

Đường đá hộc là loại địa hình nhìn tưởng đơn giản nhưng lại rất nguy hiểm nếu đi vào. Loại đường này đòi hỏi xe phải có khoảng sáng gầm cao để tránh đá va vào gầm. Lưu ý thứ hai là phải đi thật chậm để tránh xoáy bánh, đá sẽ cứa vào bánh làm rách lốp. Ưu điểm của hệ dẫn động đối xứng trên Forester cũng thể hiện rõ ở loại đường đá hộc này. Với xe 2 cầu, người lái nên để chế độ cầu chậm (4L).

Lội nước là một tình huống thường gặp không chỉ khi đi off-road. Với đường ngập nước, việc đầu tiên luôn là xác định độ sâu của nước và phải đảm bảo khả năng lội nước của xe phù hợp. Nếu không đo được mực nước hoặc nước quá sâu so với thông số của xe thì phải chọn đường đi khác. Khi xuống nước, cần phải xuống từ từ. Khi xe đã ở dưới nước, phải duy trì ga liên tục nhưng không được đi nhanh, tránh nước bị đẩy lên cao, tràn vào cổ hút. Khi thoát ra khỏi vùng nước rồi cần chọn một nơi dốc, dừng xe khoảng 5-10 giây để nước dưới gầm và từ ống xả chui ra ngoài. Hố nước trong bài thử này có độ sâu 500 mm, bằng đúng khả năng lội nước của Forester


Trong khuôn khổ buổi trải nghiệm xe Forester, hãng xe Nhật còn bố trí một số tình huống lái xe khác để thấy hiệu quả của chế độ X-Mode, như chạy địa hình gồ ghề, địa hình zíc zắc với vận tốc 40-50 km/h, cua ngoặt chữ U ở tốc độ cao, leo dốc và đổ dốc cao trơn trượt…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *