Vốn hóa thị trường của Toyota tăng gần gấp đôi dưới sự điều hành của CEO Koji Sato.
Ngày 1/3/2024, Toyota đã trở thành doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên có giá trị vốn hóa thị trường trên 60.000 tỷ Yen (395 tỷ USD), gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị này đã tăng thêm 10 nghìn tỷ Yen chỉ trong khoảng 3 tuần khi nhà đầu tư nhận thấy khả năng kinh doanh ấn tượng của hãng. Giá trị vốn hóa của Toyota cũng đã xô đổ kỷ lục cũ do tập đoàn viễn thông NTT tạo ra vào năm 1987.
Tesla đang công ty dẫn đầu các nhà sản xuất ôtô thế giới về giá trị vốn hóa thị trường với mức 530,6 tỷ USD tính đến ngày 2/4 vừa qua, cao hơn khoảng 40% so với Toyota, có mức vốn hóa thị trường giảm xuống còn 59.000 tỷ Yen tính đến ngày 3/4/2024.
Giá cổ phiếu của Toyota cũng tăng tới 93% trong năm vừa qua, đây là mức tăng trưởng lớn nhất trong số các hãng sản xuất ô tô trên thế giới. Như Honda chỉ tăng 53% trong cùng kỳ, Stellantis tăng 46%. Trong khi đó, Tesla lại giảm 19%, BYD giảm 12%.
Trong năm tài chính 2023, Toyota dự báo lợi nhuận ròng hợp nhất đạt mức kỷ lục 4,5 nghìn tỷ Yen, tăng 84% so với năm tài chính 2022. Kết quả tích cực này chủ yếu đến từ việc tập đoàn đã huy động thêm 550 tỷ Yen vào tháng 2/2024 để đáp ứng sự phục hồi sản xuất từ đại dịch COVID-19, đồng Yen suy yếu và các sản phẩm ô tô tăng giá.
Toyota hiện tại đang là hãng xe có số lượng xe hybrid trải dài ở hầu hết các phân khúc. Doanh số của những mẫu xe hybrid cũng tăng trưởng tốt, đạt 3,42 triệu xe trong năm 2023, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần toàn cầu của Toyota về xe hybrid đã tăng lên khoảng 60%, nhờ sự phổ biến của xe thể thao đa dụng RAV4 hybrid ở Bắc Mỹ và châu Âu.
Trái ngược với xe hybrid, Toyota lại gặp khó khăn ở phân khúc xe điện. Theo thống kê của MarkLines, doanh số xe điện của tập đoàn Toyota đứng thứ 24 toàn thế giới trong năm ngoái. Mức xếp hạng này thực tế đã tăng 4 bậc so với năm trước nữa, nhưng vẫn còn kém xa Quán Quân Tesla với 1,8 triệu chiếc, hay Á Quân BYD với 1,57 triệu chiếc.
CEO của Toyota – ông Koji Sato
Dải sản phẩm xe điện của Toyota dù có đến gần 10 mẫu xe nhưng giá thành cao và phạm vi hoạt động hạn chế khiến xe khó tiếp cận được người dùng và không thể cạnh tranh với các đối thủ.
Dự kiến, từ nay đến năm 2026, Toyota sẽ tiếp tục tung ra 10 mẫu xe điện mới và cố gắng hoàn thành mục tiêu bán 1,5 triệu xe điện vào năm 2026. Đến năm 20230, hãng đặt mục tiêu bán được 3,5 triệu xe.
Theo thông tin đã công bố, dòng xe điện thế hệ mới của hãng sẽ trải qua quy trình sản xuất hoàn toàn mới. Quy trình này, so với quy trình cũ, cắt đi một nửa số bước, đồng thời chi phí đầu tư nhà máy cũng cắt giảm khoảng một nửa.
Mấu chốt của thành tựu này nằm ở phương thức đúc dập cỡ lớn Gigacasting mà Tesla đã tiên phong ứng dụng. Với cách làm này, nhà sản xuất sẽ đúc và dập những thành chính của xe thành một khối kim loại liền mạch, không cần phải hàn như trước. Xe điện tương lai của Toyota được dự tính chia làm 3 phần – đầu, thân và đuôi – khi áp dụng Gigacasting.
Bên cạnh Gigacasting, Toyota cũng đang nghiên cứu làm pin thể rắn, dự kiến ứng dụng trên xe của họ từ năm 2027 hoặc năm 2028. Pin thể rắn của Toyota có thể sạc trong chưa tới 10 phút và đi được quãng đường xa gấp đôi, lên tới khoảng 1.200 km.
Tuy nhiên, Toyota hiện vẫn đang phải giải quyết một vấn đề lớn xảy ra tại thương hiệu con Daihatsu, khi có tới 64 mẫu xe bị ảnh hưởng về mặt kỹ thuật do gian lận. Nguyên nhân của các bê bối này là áp lực phải phát triển xe trong thời gian ngắn. Toyota sẽ sửa đổi kế hoạch phát triển xe mới và giới hạn mục tiêu sản xuất trong nước ở mức khoảng 14.000 xe mỗi ngày.
Phần lớn tăng trưởng của Toyota vẫn gắn liền với thời kỳ của cựu CEO ông Akio Toyoda. Trong thời gian tới, ông Koji Sato sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có cải tổ bộ máy và chuyển dịch phát triển và sản xuất sang xe điện.