Chiếc Kia đã vượt ẩu xe có camera hành trình khi không có đủ điều kiện an toàn, dẫn tới tình huống va chạm điển hình.
Sự việc diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua trên một tuyến đường ở Hải Dương và được camera hành trình của ô tô “bị hại” ghi lại.
Theo đó, chiếc Kia màu trắng đã vượt lên từ bên trái xe có camera hành trình, nhưng tạt sang phải sớm, do có xe ở làn đối diện, tạo nên tình huống va chạm với đầu xe có camera hành trình.
Ngay sau đó, tài xế chiếc Kia đã xuống xe, lao về phía xe có camera hành trình với thái độ khá hung hăng.
Video cho thấy có vẻ như va chạm không quá nghiêm trọng, mức độ thiệt hại không lớn. Tuy nhiên, thái độ của tài xế xe Kia thực sự là điều đáng bàn.
Theo chia sẻ trên mạng xã hội của chủ xe có camera hành trình, tài xế chiếc Kia lớn tiếng mắng mỏ anh vì đã xin đường mà không cho vượt.
Dù lý do là gì, xe đi sau chỉ được phép vượt khi phía trước có đủ điều kiện an toàn. Việc vượt ẩu như tài xế xe Kia trong video trên không chỉ dễ gây tai nạn cho bản thân mà còn đẩy người khác vào nguy hiểm.
“Đây là kiểu vượt quá phổ biến luôn. Nhiều người quan niệm cứ bật xi-nhan là được quyền ưu tiên hay sao ý. Không may xảy ra va chạm thì lý luận là “tôi đã bật xi-nhan báo vượt rồi”, trong khi xi-nhan chỉ có ý nghĩa là báo hiệu, chứ đâu phải đèn ưu tiên”, tài khoản Minh Quang bình luận sau khi xem video.
“Mặt bác lái xe Kia đỏ gay thế kia nhiều khả năng là hơi ngà ngà rồi. Nếu bác lái xe có camera hành trình gọi công an tới giải quyết ngay lúc đó thì mới bắt được đúng lỗi, chứ giờ nếu có cồn thì cũng hết rồi, chỉ còn lỗi vượt ẩu thôi. Nếu đúng là có cồn thì vấn đề không chỉ là thiệt hại nhiều hay ít, mà là để người thiếu tỉnh táo lái ô tô như vậy quá nguy hiểm”, tài khoản Hoàng Tùng nêu ý kiến.
Nguyên tắc vượt phương tiện khác khi tham gia giao thông
Điều 14 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định như sau:
– Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.
– Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.
– Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải:
+ Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái;
+ Khi xe điện đang chạy giữa đường;
+ Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.
– Không được vượt xe khi có một trong các trường hợp sau đây:
+ Không bảo đảm các điều kiện khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải;
+ Trên cầu hẹp có một làn xe;
+ Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế;
+ Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;
+ Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt;
+ Xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.
– Đối với xe đi phía trước, khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.
Theo Dân trí