Đằng sau dự án xe điện dang dở của Apple: Từng có ý định mua lại Tesla, đổi kế hoạch liên tục, cả dự án ‘đốt’ 10 tỷ USD

10 năm phát triển của Apple iCar bị “xé lẻ” quá nhiều với những hướng đi đổi qua đổi lại như chong chóng.

Kể từ thời điểm dự án Project Titan khởi động vào năm 2014, không nhiều thông tin chính thức được Apple được công bố. Nếu toàn bộ lộ trình của Apple được công khai, có thể cái kết của Project Titan đã khác, thay vì bị hủy như thông tin vừa bùng nổ vào cuối tháng 2/2024.

Khởi đầu “bất đắc dĩ”
Năm 2014, toàn bộ làng công nghệ toàn cầu hướng sự tập trung vào xe điện và xe tự lái – 2 hướng đi được coi là tương lai của nền công nghiệp ô tô.

Cùng thời điểm đó, các kỹ sư hoàn tất dự án đồng hồ thông minh của Apple cần một thách thức mới. Theo CEO Apple Tim Cook trao đổi với tờ New York Times, ông cần giữ nhân sự của mình bằng một dự án mới mẻ để tránh cảnh họ bị Tesla chiêu mộ. 3 yếu tố này gộp lại và Project Titan ra đời.


Apple từng kỳ vọng có thể dùng lợi thế công nghệ và tài chính để lấn sân sang mảng xe nhưng họ đã phạm phải một sai lầm quá lớn. Ảnh: Motor1

Tuy nhiên, trong quá trình 10 năm phát triển, đường lối của Apple quanh Project Titan thay đổi liên tục. Hàng loạt thay đổi về lãnh đạo dẫn tới thay đổi về công nghệ được định hướng và các mục tiêu được đề ra cũng ngày một xa vời. Những người trong cuộc gọi Project Titan là “thảm họa Titanic”.

Từng có ý định thâu tóm Tesla
Ngay từ những ngày đầu, nhân sự làm việc trong dự án Project Titan đã nhận ra rằng mẫu xe thành phẩm mà Apple mong muốn khó có giá dưới 100.000 USD. Mức giá này vừa khó kiếm khách, vừa không mang lại tỉ lệ lợi nhuận cao cho Apple – điều họ đã quá quen với thành công trong mảng thiết bị cầm tay.


Apple từng muốn mua lại Tesla để tận dụng kinh nghiệm làm xe của đồng hương nhưng cuối cùng lại tham vọng “ôm trọn” để rồi mất hết. Ảnh: The Street

Thêm vào đó, Apple cũng lo ngại việc đi sau Tesla. Điều này dẫn tới những buổi trao đổi để mua lại thương hiệu Mỹ (khi đó vẫn thuộc dạng công ty khởi nghiệp). Tuy vậy, cuối cùng giới lãnh đạo Apple chọn cách tự làm xe 100% thay vì mua lại đồng hương.

Trưởng dự án Project Titan đầu tiên là Steve Zadesky muốn tạo ra một mẫu xe điện “bình thường” với điểm nổi trội duy nhất là công nghệ nội thất hiện đại. Trong khi đó, giám đốc thiết kế Apple là Jony Ive muốn tạo ra một mẫu xe tự lái 100% không cần vô lăng. Ngay từ những ngày đầu, đường lối mà Apple mong muốn cho iCar đã bất nhất.

Thiết kế như xe cổ thập niên 60


Thiết kế được cho là tạo cảm hứng cho Apple iCar. Ảnh: Carscoops

Ive sau này hoàn tất một bản thiết kế nháp gây liên tưởng tới Fiat Multipla 600. Ý tưởng của ông là một mẫu van (?) rộng rãi điều khiển qua giọng nói bởi Siri. Vào 2015, Ive cho Tim Cook xem bản vẽ này, tuy nhiên ý kiến vị CEO khi đó ra sao không rõ.

Xoay như chong chóng
Tới 2016, Zadesky rời Project Titan. Người kế nhiệm nội bộ ông đổi hướng từ xe điện sang xe tự lái. Lãnh đạo kế tiếp của Project Titan là cựu giám đốc mảng xe điện của Ford/Tesla Doug Field sa thải 200 nhân sự và tiếp tục “đánh bạc” khi dồn 100% tài nguyên vào mảng xe tự lái.


Khi mà lãnh đạo Project Titan liên tục thay đổi với mỗi người lại có một hướng đi riêng, không khó hiểu vì sao cuối cùng dự án này lại thất bại. Ảnh: Carwow

Tới 2021, lãnh đạo cuối cùng của Project Titan là Kevin Lynch – người đứng sau Apple Watch lại quay xe, đưa hướng phát triển về xe điện. Hướng đi ban đầu và cuối cùng được lựa chọn được nhân viên Apple làm việc trong Project Titan đánh giá là phù hợp. Hướng đi xe tự lái (và AI hỗ trợ) phù hợp là hướng đi phục vụ các thiết bị thông minh của Apple nhiều hơn là phù hợp với một mẫu xe ở thời điểm này.

Khi Project Titan chính thức bị hủy, chỉ còn những công nghệ “thừa” về AI được hãng giữ lại sử dụng cho các mảng khác. Phi vụ tốn thời gian của Apple cũng khiến họ tiêu tốn khoảng 10 tỷ USD (tương đương gần 250.000 tỷ đồng).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *